Người có hội chứng rối loạn lo âu xã hội hay hội chứng ám ảnh sợ xã hội không chỉ đơn thuần là sự lo lắng hoặc tính cách hướng nội. Hội chứng này bao gồm nỗi sợ hãi cùng cực đối với sự giao tiếp giữa người với người, làm cản trở cuộc sống hàng ngày của người mắc phải chúng.
Những dấu hiệu của hội chứng bắt đầu xuất hiện ở một cá nhân khi người đó bước vào khoảng 13 tuổi và bám rễ đến độ tuổi trưởng thành. Song, theo Hiệp hội lo âu và trầm cảm Hoa Kỳ, hầu hết những người mắc hội chứng rối loạn lo âu xã hội sẽ phải đợi ít nhất 10 năm để được giúp đỡ.
Nếu bạn tin rằng bản thân mình đang mắc phải hội chứng này hoặc nghi ngờ một số người bạn biết cũng đang gặp tình trạng trên thì những dấu hiệu dưới đây chính là lời giải đáp cho suy nghĩ của bạn.
Luôn luôn tìm cách tránh né những vị trí khiến họ bị chỉ trích
Rối loạn lo âu xã hội khiến cá nhân hình thành các suy nghĩ như: “Người khác sẽ nghĩ mình là một trò hề !” hoặc “Tôi sẽ chỉ làm mọi việc rối lên thôi và rồi người ta sẽ nghĩ tôi là kẻ thảm hại”. Nỗi sợ hãi to lớn của việc bị ruồng bỏ khiến họ luôn cố gắng tránh xa tất cả những tình huống mà họ không chắc chắn.
Luôn tưởng tượng các viễn cảnh xấu (hổ) về bản thân
Mỗi khi những người có hội chứng rối loạn lo âu xã hội phải gặp một người mới hoặc tham gia một buổi gặp mặt, họ sẽ mường tượng ra đủ các viễn cảnh gây xấu hổ cho bản thân mình. Họ lo lắng rằng bản thân mình sẽ lỡ lời hoặc làm các hành động sai trái và việc làm của họ sẽ khiến người khác hoảng sợ.
Lo âu về việc người khác để ý tới nỗi sợ của mình
Mỗi khi họ phát biểu hoặc diễn thuyết trước những người xã giao, những người mắc hội chứng lo âu xã hội này sợ rằng người khác cũng để ý tới thiếu sót của họ. Khi đó, một vài đặc điểm sẽ được thể hiện ra ngoài như đỏ mặt, đổ mồ hôi, run tay hoặc thở dốc. Từ đó, họ nhận định rằng người khác sẽ chú tâm đến sự lo lắng của mình.
Chỉ cảm thấy an tâm với một số người nhất định
Hầu hết những người mắc hội chứng sợ xã hội sẽ cảm thấy thoải mái khi đối diện với những người thân thuộc nhất – như bạn bè, cha mẹ hoặc anh chị em ruột. Sự tương tác với những người xa lạ làm nỗi lo âu của họ trầm trọng hơn. Chính vì vậy, thông thường, những người thuộc hội chứng này sẽ luôn đi cùng người giúp họ có cảm giác an toàn đến mọi nơi, thậm chí là những buổi quy tụ, để sự tương tác diễn ra trọn vẹn hơn.
Luôn tự chỉ trích các kỹ năng xã hội của mình
Những người có hội chứng rối loạn lo âu xã hội thường dành nhiều thời gian suy nghĩ về cách tương tác xã hội của bản thân. Họ luôn lặp đi lặp lại các cuộc hội thoại trong đầu và nghiên cứu cách nói chuyện của mình. Họ phóng đại sai lầm của bản thân và chỉ trích chúng rất nặng nề.
Người có hội chứng rối loạn lo âu xã hội phải trải qua nhiều nỗi sợ xã hội khác
Với một số người, nỗi sợ hãi gắn liền với diễn thuyết trước đám đông. nhưng một số khác lại mắc phải những nỗi sợ sâu sắc hơn như viết trước nhiều người và ăn uống tại nơi công cộng. Thậm chí, nhiều người còn lo sợ khi phải nói chuyện qua điện thoại.
Những suy nghĩ trở thành “dự đoán” để lấp đầy bản thân
Những suy nghĩ tiêu cực gắn liền với rối loạn lo âu xã hội trở thành những lời tiên tri cho tình huống tiếp theo. Một ý nghĩ như: “Người ta nghĩ mình dị lắm!” cũng có thể đeo bám người đó trong cuộc sống.
Chính thái độ xa lánh này đã tạo ra khoảng cách giữa cá nhân và mọi người xung quanh, đòng thời khiến bản thân tin rằng mình rất “ngượng ngùng” trong các tình huống XH.
Dựa trên những điều vừa liệt kê, liệu bạn đã từng trải qua hoặc thực hiện một hành động nào trong số chúng hay chưa? Hay bạn có nhận ra người bạn nào của mình cũng đang gặp tình trạng tương tự? Nếu có, hãy chia sẻ cho chúng tớ biết nhé.
Sự chia sẻ cũng phần nào giúp bạn cảm thấy tốt nhiều lên đó, bạn sẽ thấy tốt hơn khi nói ra tiếng lòng của mình. Nghiêm trọng là vậy, song, người có hội chứng rối loạn lo âu xã hội có thể tự cải thiện nếu như biết cách thực hiện.
Các liệu pháp chữa bệnh, dược phẩm hoặc kết hợp cả hai sẽ có hiệu quả đẩy lùi tình hình. Thần Cupid sẽ gợi ý cho các bạn một số cách vượt qua hội chứng này trong phần hai sắp tới.
Nguồn: 7 Things People Who Have Social Anxiety Common Do. Amy Morin. PsychologyToday.